Giỏ hàng của bạn chưa có sản phẩm nào!
2019-04-05 07:52:48
Trẻ em lứa tuổi mầm non hoàn toàn có thể tìm thấy những niềm vui lớn trong việc học một nhạc cụ âm nhạc nào đấy. Hơn hết, cùng với tìm thấy niềm vui, việc học chơi một loại nhạc cụ sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển một số kỹ năng cần thiết cho trẻ. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu xem những lợi ích giáo dục và lợi ích phát triển của việc học nhạc cụ đối với trẻ mầm non. Hình thành khả năng đọc ký âm nhạc và chơi nhạc cụ là điều đáng để cho bé tham gia học nhạc, đồng thời, nó sẽ giúp bé tăng sự độc lập, tự tin. Bất cứ trẻ em có cơ hội hay thiên hướng yêu thích âm nhạc, hãy để bé ghi tên theo học một lớp nhạc nào đấy: piano, kèn, sáo, trống... Phụ huynh hãy khuyến khích niềm yêu thích âm nhạc ở bé bằng cách giúp bé học nhạc, có kiến thức về các thể loại nhạc, nhạc cụ ngay từ lứa tuổi nhỏ. Điều này không phải quá khó khăn, có nhiều cách giới thiệu âm nhạc một cách tự nhiên tới bé: Để bé nghe âm nhạc tại nhà, xem trên TV, nghe trên đài, thậm chí dẫn bé tới một buổi hòa nhạc. Việc dẫn bé tới nghe một buổi hòa nhạc nhẹ nhàng khiến bé một cách vô thức chú ý tới dàn nhạc - đây quả là một cách giới thiệu thông minh: Hãy chọn một chỗ ngồi trên những hàng ghế đầu tiên, việc này giúp bé quan sát tốt những gì đang diễn ra, bé sẽ tò mò các nhạc cụ đang được các nhạc công chơi. Những kỹ năng có thể được hình thành thông qua chơi một nhạc cụ: Học chơi nhạc cụ vừa là niềm vui, vừa đem lại lợi ích đặc biệt cho bé, phần lớn các kỹ năng trong số đó sẽ được chuyển vào bình diện bên trong, bé thích nghi và sử dụng những kỹ năng này trong những tình huống tương tự khác. Ví dụ: • Bé có khả năng đọc ký âm, tự tạo ra những giai điệu âm nhạc truyền tải cảm xúc của mình qua nhạc cụ. • Giúp bé hình thành tính kiên nhẫn: Không thể một sớm một chiều học được ngay và học được hết tất cả kiến thức âm nhạc, bé cũng phải luyện tập thường xuyên, đều đặn, kiên nhẫn nếu muốn nắm vững cách chơi một loại nhạc cụ. • Tăng khả năng độc lập ở trẻ: Chơi nhạc giúp bé cảm thấy tốt hơn về bản thân, bé có những trải nghiệm thành công với những thành tích đạt được (chơi một bài hát, biểu diễn trong đội âm nhạc...) • Hình thành một số kỹ năng vận động: Với mỗi loại nhạc cụ khác nhau, cần có những kỹ năng đặc biệt phù hợp riêng. • Phát triển kỹ năng làm việc nhóm: Khi học trong một lớp nhạc, chơi cùng một nhóm nhạc, bé cảm thấy mình là một phần của nhóm, dần dần bé hình thành ý thức về sự tự giác và bổn phận trách nhiệm của mình. • Trong khi học nhạc, bé giao tiếp với thầy cô, bạn bè, biểu diễn trước nhiều người, bé sẽ hình thành và phát triển kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội. Khi nào bé có thể bắt đầu học chơi nhạc cụ? Trẻ em có thể bắt đầu chơi nhạc cụ bằng cách tương tác với một số loại nhạc cụ cơ bản. Thường thì từ 4-5 tuổi, bé thích hợp với học thổi sáo. Nhiều trường tiểu học đưa sáo vào như là loại nhạc cụ đơn giản đầu tiên trẻ có thể học. Lý do tại sao 4-5 tuổi bé mới nên thử nghiệm chơi loại nhạc cụ đầu tiên, đó là lúc này những ngón tay của bé đã phát triển đủ lớn để che hết các lỗ của ống sáo (tương tự, bé có thể học kèn nếu thích). Với các nhạc cụ bằng gỗ và trống, không nên để bé học khi bé chưa mọc đủ răng hàm thứ 2, vì khi đó sức ép của lực lên răng bé khi chơi có thể gây ra những vấn đề đáng tiếc. Với các nhạc cụ bộ dây (như violin), bé có thể chơi phù hợp khi lên 6 tuổi, dù đôi khi những cố gắng đầu tiên của bé có thể làm phiền bố mẹ và người xung quanh (tiếng ồn...) Giống như violin, đàn guitar kích cỡ nhỏ dành cho trẻ cũng có thể là một lựa chọn thích hợp khi bé 8 tuổi trở lên. Việc học hay không học guitar lúc này phụ thuộc vào sự phát triển thể chất của trẻ (bé đã có thể căng tay rộng ra đủ chưa?...) Một số trường mầm non đã cung cấp cơ hội giúp bé học các loại nhạc cụ đơn giản: Đàn, sáo... Các dịch vụ dạy nhạc ngoài nhà trường dành cho trẻ mầm non cũng có thể phù hợp, bạn hãy tìm hiểu xem xung quanh nơi mình sống, hoặc các cung văn hóa thiếu nhi có dạy không. Nếu ban đầu, bạn chưa chắc chắn loại nhạc cụ nào phù hợp cho việc bắt đầu học nhạc cụ của bé, hãy tìm lời khuyên từ giáo viên mầm non hoặc giáo viên năng khiếu dạy nhạc ở trường bé. Ngọc Mai mamnon.com